Cây sen là một loại thực vật thủy canh, có sức sống mãnh liệt và dễ trồng. Mặc dù vậy, những khó khăn liên quan đến phương pháp trồng, xử lý sâu bệnh vẫn luôn là thách thức đối với người trồng. Trong bài viết này, Sen Vô Ưu tổng hợp lại những bệnh, câu hỏi thường gặp khi trồng sen và cách xử lý. Hi vọng sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trong quá trình trồng và chăm sóc sen.
I. BỆNH THƯỜNG GẶP
1. Bệnh thán thư
Thán thư là một bệnh khá phổ biến ở cây trồng. Biểu hiện của bệnh thán thư trên cây sen là lá vàng, lá cháy hoặc xuất hiện các đốm nhỏ. Nguyên nhân của bệnh thán thư là do cây sen bị nhiễm nấm.
Cách xử lý: Sử dụng thuốc TRỪ BỆNH MANOZEB 80WP. Rải xuống bùn và pha loãng, phun trực tiếp lên sen.
2. Bị rệp đỏ, rệp đen.
Sen bị rệp đỏ, rệp đen là bệnh phổ biến trên cây sen. Những loại rệp này hút chất dinh dưỡng làm cây sen không phát triển được. Rệp phát triển và sinh trưởng rất nhanh.
Cách xử lý: Có 3 cách xử lý đơn giản đối với trường hợp cây sen xuất hiện rệp.
- Dùng tay diệt thủ công hoặc khăn giấy lau sạch rồi xả tràn nước (đối với số lượng sen trồng ít)
- Dùng bình xịt côn trùng, xịt muỗi. (số lượng sen trồng vừa)
- Pha dung dịch cồn với nước rửa chén. (số lượng sen trồng vừa)
- Sử dụng thuốc CONFIDOR 200SL (đối với số lượng nhiều, trồng ao đầm, lưu ý đọc kỹ HDSD)
3. Chậu sen mọc nhiều rêu, tảo.
Nguyên nhân chậu sen xuất hiện nhiều rêu, tảo, váng bẩn thường do ít thay nước, hoặc ánh sáng chiếu vào nhiều dẫn đến rêu tảo phát triển.
Cách xử lý: Vớt thủ công bằng tay, xả tràn nước hàng ngày hoặc thả bèo trong thời gian đầu khi chậu sen chưa có nhiều lá đứng.
4. Sen bị nhiễm bọ trĩ
Biểu hiện của cây sen bị nhiễm bọ trĩ nặng là lá cuốn mép và quăn queo. Cây sen bị nhiểm bọ trĩ nặng phát triển kén, thân lá tàn rụi, năng xuất và chất lượng hạt, ngó và củ (tùy theo giống sen trồng với mục đích lấy sản phẩm) bị giảm sút nghiêm trọng.
Ruộng sen bị nhiễm bọ trĩ nặng sẽ tàn rụi và tích lũy cho đến các vụ tiếp theo.
Cách xử lý: Nếu sen nhiễm bọ trĩ kết hợp phun thuốc trĩ, ngắt hết lá nhiễm trĩ mang đi đốt hoặc vứt xa khu vực trồng sen. Các bước tiến hành như sau.
B1: cắt tỉa lá bệnh, lá xoăn do trĩ gây nên.
B2 : Phun thuốc cho sen vào buổi chiều mát để tránh nhiệt độ ngoài trời ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc vào cây. Bạn tham khảo các loại thuốc diệt trĩ hiệu quả :
- 1 gói Thuốc diệt trĩ SUSHE các bạn pha theo tỷ lệ 10g pha/9l nước phun buổi chiều mát
- 25cc EMATHAI 4EC/25 lít nước.
- 2 gói IMIDOVA 150WP/ 25 lít nước.
- 1 gói CHELSI 50WG/25 lít nước.
5. Nhiễm các loại sâu
Sâu ăn tạp thường xuất hiện và gây hại nhiều trong mùa nắng, chủ yếu sâu ăn lá non đến lá trưởng thành. Sâu non tuổi nhỏ thường gây hại nghiêm trọng nhất bởi vì hàng trăm con sâu non tập trung lại ăn lá cây.
Biện pháp xử lý: Phun 30cc EMATHAI 4EC + 1 gói IMIDOVA 150WP/25 lít nước, phun thuốc khi sâu tuổi 1-2, chú ý phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát (công thức phun nêu trên đã phòng trừ được bọ trĩ gây hại)
II. CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Bón phân gì cho sen? Liều lượng và cách bón phân cho sen
- Khoảng 10 – 15 ngày đầu bón phân trùn quế. Giúp sen phát triển toàn diện thân, rễ, lá.
- Sau khoảng 15 - 20 ngày tiếp theo bón thúc bằng phân Đầu trâu NPK 13-13-13. Giúp sen phát triển và kích thích ra hoa.
- Sau khoảng 20 tiếp tục bón phân Đầu trâu NPK 13-13-13.
Cách bón: Mỗi lần bón khoảng 1 thìa café gói khăn giấy nhét vào giữa chậu. Hoặc rải khoảng 15-20 viên phân trên mặt bùn.
2. Không lật chậu, sen có phát triển được không?
- Không cần lật chậu, đến mùa ấm sen sẽ tự phát triển bạn nhé. Tuy nhiên, lật chậu để tach củ và cải tạo lại bùn cây sẽ phát triển tốt hơn.
3. Mình không có bùn, có thể dùng đất để trồng được không?
- Bạn ngâm đất trong nước khoảng 2-3 ngày, bóp nhuyễn sẽ thành bùn. Nếu có đất ruộng, đất ải sẽ rất tốt. (Không dùng đất sét hoặc đất lẫn cát)
4. Có nên trồng nhiều giống sen trong 1 chậu không?
- Không nên trồng bởi vì mỗi loại có đặc tính khác nhau. Có giống sen thân cao, trung hoặc mini. Loại sen nào khỏe sẽ lấn át giống còn lại. Đồng thời, sau này có thu củ cũng khó phân biệt.
5. Hạt sen giống để đến năm sau trồng có được không?
Được, bạn nhớ bọc kín và bảo quản nơi thoáng mát. Có thể để ngăn mát tủ lạnh.
6. Nên trồng sen từ hạt, ngó hay củ?
Trồng từ củ cho tỉ lệ sống cao, nhanh cho hoa và chuẩn giống. Trồng từ ngó tỉ lệ sống thấp hơn, không nên vận chuyển xa. Trồng từ hạt có xác suất lai tạp với giống sen khác, lâu cho hoa.
7. Vì sao trồng sen không ra hoa, mặc dù lá tốt và tạo nhiều củ?
Có một số giống sen hiếm hoa. Hoặc bón phân nhiều, trời lạnh cũng dẫn đến sen tạo củ.
8. Vì sao sen đang xanh tốt bị lụi dần, nụ mới lên đã bị hỏng?
Trường hợp này khả năng bị sốc phân NPK hoặc thời tiết nắng mưa đột ngột.
Trên đây là những loại bệnh và câu hỏi thường gặp khi trồng và chăm sóc sen. Hi vọng bài viết trên sẽ giải đáp được thắc mắc, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chinh phục được những vườn sen đẹp. Nếu bạn có những kiến thức hoặc câu hỏi liên quan, hãy chia sẻ với Sen Vô Ưu nhé.
9. Mình trồng sen từ củ thấy cây phát triển chậm, 2-3 tuần lên được vài cm.
- Hãy để chậu sen ở nơi có nắng chiếu trực tiếp tối thiểu 6-8 tiếng trên ngày. Bón thêm phân trùn quế hoặc phân siêu phục hồi để kích thích rễ phát triển.
- Bạn lưu ý rằng trời lạnh sen ngủ, chỉ nắng ấm mới phát triển được nhé. Trồng trái mùa sen cũng sẽ phát triển chậm hơn chính vụ (tháng 4,5)
10. Tôi mua chậu sen ở cửa hàng rất đẹp, khi về cây héo dần, lá bị héo khô từ viền vào tâm lá.
- Khả năng trong quá trình vận chuyển sen đã bị đứt rễ khiến một số gốc bị ảnh hưởng không hút được nước dẫn đến khô lá. Hãy để chậu sen cố định ở nơi ít gió để ổn định bộ gốc vài ngày, sau đó nhẹ nhàng di chuyển ra chỗ thoáng và có nhiều ánh nắng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết, chúc bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Sen Vô Ưu
VÔ ƯU - CHUYÊN CUNG CẤP SỈ LẺ:
Trà hoa sen – trà hoa các loại
__________________
☎ Hotline: 0944484446
📱MXH: Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter | Instagram
📍Địa chỉ: 10/28/31 Xuân Diệu - Tây Hồ - Hà Nội
🌐 Website: www.vouu.vn